Công tác thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính tài nguyên và môi trường năm 2020
05/02/2021
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Đồng Nai về thi hành pháp luật xử lý vi phạm hành chính, năm 2020, Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) đã thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ để triển khai thực hiện. Qua đó, nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên và môi trường, bảo vệ môi trường sống một ngày tốt hơn.

 

TÌNH HÌNH XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH

Trong năm 2020, Thanh tra TNMT đã tiến hành xử phạt hoặc trình Chủ tịch tỉnh xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực TNMT với 163 trường hợp, tổng số tiền phạt gần 22,4 tỷ đồng. Trong đó, tình hình xử phạt ở một số lĩnh vực như sau: bảo vệ môi trường là 59 trường hợp với số tiền phạt 10,8 tỷ; tài nguyên là 15 trường hợp với số tiền phạt 1,3 tỷ; đất đai là 97 trường hợp với số tiền 8,7 tỷ.

 

 

Khảo sát thực địa tình hình khai thác khoáng sản thông thường

 

Các hành vi vi phạm chủ yếu như đối với lĩnh vực đất đai là không thực hiện đăng ký biến động đất đai,  tự ý chuyển mục đích sử dụng đất, không trung thực, lập giấy tờ giả trong hồ sơ xin cấp giấy, lấn, chiếm đất. Lĩnh vực môi trường phổ biến là thực hiện không đúng một trong các nội dung và các yêu cầu đánh giá tác động môi trường, không xây lắp công trình bảo vệ môi trường theo quy định, không có giấy xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo quy định và xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải. Lĩnh vực tài nguyên các hành vi phổ biến là không có giấy phép theo quy định.

 

Xử phạt về môi trường trong năm 2020 đặc biệt có thể kể đến trường hợp Công ty Cổ phần Mía đường La Ngà với tổng số tiền phạt khoảng 4 tỷ do xả khí thải vượt quy chuẩn và chưa có giấy phép tài nguyên nước.

 

KHÓ KHĂN, VƯỚNG MẮC TRONG THỰC TIỄN TRIỂN KHAI

 

Các nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực tài nguyên và môi trường giao quyền cho cho chuyên viên, trưởng đoàn lập biên bản vi phạm hành chính trong khi đó các cá nhân này chưa được tập huấn, không có chuyên môn nghiệp vụ thanh tra nên dễ gây ra các sai sót lớn trong trình tự thủ tục. Biện pháp khắc phục hậu quả liên quan đến truy thu số lợi bất hợp pháp quá lớn, không có giới hạn về mặt thẩm quyền ở một số chức danh như Chánh thanh tra, Chủ tịch UBND huyện. Thực tế cho thấy, các tang vật về lĩnh vực khoáng sản thường là hàng trăm, hàng tỷ đồng như máy cuốc, máy xúc, ô tô, tàu hút, xáng cạp, vv…Như vậy, đối với các tang vật này muốn tạm giữ thì phải ra ngay quyết định tạm giữ của Người có thẩm quyền là Chủ tịch UBND tỉnh ngay tại thời điểm phát hiện vi phạm là không khả thi.

 

 

Đại diện Thanh tra Sở TNMT giải đáp thắc mắc tại một buổi tập huấn

 

Trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 36/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/5/2020) khó khăn, vướng mắc trong việc tính toán các số liệu để áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả “buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm” theo quy định tại điểm r khoản 3 Điều 4, cụ thể như sau: Những yếu tố cấu thành trong việc xác định chi phí trực tiếp để khai thác, sử dụng tài nguyên nước, chi phí trực tiếp để có được khối lượng khoáng sản đã khai thác; Cách xác định tổng lượng nước khai thác (trong trường hợp tổ chức vi phạm không gắn đồng hồ đo lưu lượng).

 

Nghị định số 91/2019/NĐ-CP xử phạt lĩnh vực đất đai cũng có vướng mắc về thời điểm để xác định số lợi bất hợp pháp, về căn cứ để xác định thời điểm bắt đầu xảy ra hành vi vi phạm làm cơ sở để xác định số lợi bất hợp pháp, về cơ quan xác định số lợi bất hợp pháp, thời gian ban hành quyết định xử phạt, về việc xác định diện tích vi phạm và chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa không đúng quy định.

 

Các nội dung vướng mắc đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Sở Tư pháp, UBND tỉnh và Bộ Tài nguyên và Môi trường.

 

Hoàng Mỹ